Thứ Ba, 23 tháng 12, 2008

Trần Đình Thiên và tăng trưởng 9% năm 2008

"VN dư sức đạt tăng trưởng hơn 9%/năm"

VietNamNet đã gỡ bài này xuống nhưng hiện nó vẫn còn đăng trên mạng, lúc đó ông Thiên còn giữ chức phó viện trưởng, bây giờ đã là viện trưởng.

Một bài phỏng vấn có rất nhiều điều để học hỏi.

"VN dư sức đạt tăng trưởng hơn 9%/năm"
10/09/2007
Khi VN vẫn còn “dư” tiềm năng tăng trưởng, cộng với quyết tâm đổi mới và tăng tốc phát triển rất cao của Chính phủ thì mục tiêu tăng trưởng năm 2008 là 9,1 - 9,2% có thể đạt được, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho biết.
"Nền kinh tế đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng"

tran-dinh-thien.jpg
TS. Trần Đình Thiên. Ảnh: TTO
Hỏi: Trong phiên họp bất thường Chính phủ 5/9 vừa rồi, Thủ tướng đă cho rằng, trong kế hoạch các năm tới, phải đặt ra những mục tiêu cao hơn. Chẳng hạn, năm 2008 phải đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 9,1 - 9,2%. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng cao như vừa qua, mục tiêu này khả thi đến đâu?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: - Chính phủ có nhiều căn cứ để đề ra mức tăng trưởng 9,2 - 9,3% cho năm tới. Có thể nêu một số căn cứ chủ yếu sau.

Một là đà tăng trưởng của nền kinh tế đang mạnh, đang đạt đỉnh cao trong 10 năm trở lại đây. Hai là đầu tư, cả của khu vực tư nhân trong nước lẫn khu vực đầu tư nước ngoài đang tăng cao, tạo thành “làn sóng” đầu tư.

Ba là các điều kiện thị trường được cải thiện rõ rệt sau khi VN gia nhập WTO. Bốn là quá trình đổi mới thể chế nói chung, cải cách khu vực DN nhà nước nói riêng đang diễn ra rất tích cực. Quá trình này nhằm theo hướng rất rõ là đáp ứng các cam kết hội nhập và tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn cho DN. Điều này hứa hẹn mở ra một không gian tăng trưởng rộng rãi, thông thoáng, hiệu quả hơn cho nền kinh tế.

Tất nhiên, phải kể thêm hai yếu tố quan trọng khác. Thứ nhất là VN vẫn còn “dư” tiềm năng tăng trưởng. Hai là quyết tâm đổi mới và tăng tốc phát triển rất cao của CP. Tổng hợp cả ba yếu tố “thiên, địa, nhân” đang rất thuận cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta.

Hỏi: Cùng với nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng cao như Thủ tướng đã nêu, theo ông, cần lưu ý thêm điều gì nữa để tăng trưởng cao gắn với tăng trưởng bền vững?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: Trước hết, đi liền với nỗ lực tăng trưởng cao, phải cố gắng tạo ra và phát triển các cơ sở tăng trưởng dài hạn bền vững. Điều này rất quan trọng. Bởi vì dốc sức cho tăng trưởng ngắn hạn không phải là vấn đề quá khó, nhất là khi nền kinh tế nước ta đang “hội tụ” nhiều yếu tố thuận lợi. Tận dụng thời cơ để tăng trưởng cao là đúng.

Nhưng quan trọng hơn là làm sao để năm 2007 - 2008 cũng giải quyết được những “nút thắt” tăng trưởng như hạ tầng giao thông, năng lượng, v.v., giúp cho nền kinh tế giữ được đà và thế trong cuộc đua dài hạn. Trong bối cảnh thế giới và thực lực phát triển còn nhiều yếu kém của VN hiện nay, đây mới là nhiệm vụ trọng tâm và khó đạt được nhất.

Thứ hai, cần đặc biệt lưu ý vấn đề ổn định vĩ mô. Có nhiều lý do rất hiển nhiên để chúng ta phải “nâng cao tinh thần cảnh giác” với lạm phát. Đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, đang tăng mạnh, dòng tiền đổ vào nền kinh tế và đổ ra thị trường rất lớn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán non trẻ, đang lên - xuống rất “hăng hái” , nhưng lại thiếu kinh nghiệm. An toàn hệ thống tài chính là câu chuyện phải đặt lên hàng đầu, khi độ mở, độ hội nhập của nền kinh tế còn nhiều non yếu của ta tăng lên rất nhanh.

Rất mừng là những vấn đề này đang được Chính phủ đặt ra để giải quyết một cách quyết liệt. Cho nên, có nhiều cơ sở để tin vào thành công.

An toàn tài chính và chuyện đất đai, việc làm

Hỏi - Trong 8 nhóm giải pháp mà Thủ tướng đă nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2008, như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng đầu tư cho y tế, giáo dục... chủ yếu là những biện pháp trong dài hạn. Theo ông, năm 2008, chúng ta cần tính thêm những giải pháp gì?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: : Bộ giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhìn chung là toàn diện và mang tính hệ thống. Tôi chỉ xin “nhấn” thêm một vài điểm.

Một là cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn tài chính, trên tầm quốc gia - hệ thống chứ không phải của riêng thị trường chứng khoán. Biến động tài chính trong năm 2007 có nhiều yếu tố đặc biệt, gắn chặt với quá trình mở cửa - hội nhập được đẩy mạnh gần đây. Những biến động đó rất cần được nghiên cứu kỹ. Có thể rút ra từ năm 2007 nhiều bài học quý cho các năm sau.

Hai là chuyện đất đai, việc làm ở nông thôn trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa và tăng tốc đô thị hóa. Đây là vấn đề đang rất nóng, vẫn sẽ tiếp tục nóng lên. Tôi nghĩ độ nóng còn sẽ tăng nhanh trong giai đoạn tới, khi đầu tư phát triển và đô thị hóa bùng nổ. Năm 2007 mới chỉ hé ra quy mô, tốc độ và xu hướng của sự bùng nổ này. Chắc chắn những năm sau sẽ quyết liệt, dữ dội hơn nhiều. Việc làm, thu nhập, đời sống nông dân, v.v... sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Nếu không quan tâm xử lý một cách bài bản, hệ thống, có lý luận hẳn hoi thì bức xúc xã hội khó giải tỏa triệt để, bất bình đẳng thu nhập, chênh lệch giàu nghèo tăng nhanh. Khi đó, chi phí để xử lý vấn đề sẽ rất lớn, tổn thất xã hội sẽ cao khó lường.

Ba là trong năm nay (2007), để đối phó với lạm phát, Chính phủ tạm thời “gác lại” việc tăng lương theo lộ trình. Đây cũng là một vấn đề cần quan tâm xử lý trong thời gian tới. Xu hướng tích đọng mâu thuẫn “giá - lương”, “tăng trưởng - thu nhập” cho đến nay vẫn chưa kìm lại được, nay lại có cơ bị đẩy lên. Đáng ngại nhất là logic tăng lương đuổi theo giá. Theo logic này thì lương sẽ khó kịp giá mà cả dân lẫn CP lại rất vất vả. Vấn đề là ở nguyên lý: lương tăng theo năng suất chứ không phải theo giá. Không đúng nguyên lý thì không thể giải quyết vấn đề.

Mặt khác, cần lưu ý rằng khi nền kinh tế đạt tới ngưỡng 1.000 USD đầu người, cấu hình tiêu dùng - tích lũy, tiết kiệm - đầu tư trong nền kinh tế sẽ thay đổi mạnh mẽ. Câu chuyện đặt ra là thị trường không được tắc nghẽn.

Khi mức sống cao, nhu cầu cũng tăng lên cao, đừng để xảy ra những câu chuyện như thị trường ô tô hiện nay: kích “cung” mà quên “cầu”, hậu quả là người Việt Nam nghèo lại phải mua ô tô giá cao nhất thế giới, các doanh nghiệp “quốc tịch” Việt Nam chỉ tham gia được mấy % vào cái gọi là “nền công nghiệp ô tô Việt Nam”.

Tăng trưởng dựa trên lợi thế có sẵn: ít hiệu quả

Hỏi: Rõ ràng, để tăng trưởng bền vững và kiềm chế lạm phát, vấn đề quan trọng là cải cách để nâng cao hiệu quả quản lý, tránh lăng phí và chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Thưa TS., ngoài mô hình tăng trưởng dựa vào tỷ lệ đầu tư, trong một hội nghị gần đây, các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á khuyên Việt Nam nên nhanh chóng áp dụng mô hình tăng trưởng hiệu quả, nghĩa là tăng cường đầu tư cho công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để cải thiện khả năng cạnh tranh?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: - Gợi ý đó là tuyệt đối đúng. Tôi muốn bổ sung là tăng trưởng của ta hiện nay còn dựa chủ yếu vào việc tăng lượng đầu vào, trong đó, quan trọng nhất là tăng khai thác tài nguyên, bơm nhiều vốn và đẩy mạnh sử dụng lao động kỹ năng thấp. Cách tăng trưởng này dựa trên những yếu tố có sẵn, khai thác tối đa lợi thế tĩnh. Cách tăng trưởng như vậy khó đạt hiệu quả cao, ít cải thiện được năng lực cạnh tranh và không tạo được các lợi thế mới.

Trong thế giới toàn cầu hóa - hội nhập và chuyển nhanh sang nền kinh tế dựa vào công nghệ cao hiện nay, việc chậm thay đổi tư duy phát triển, mô hình tăng trưởng, cứ dựa mãi vào xuất khẩu tài nguyên thô, vào lao động rẻ là rất nguy hiểm. Nền kinh tế sẽ mãi là nền kinh tế giá trị gia tăng thấp, đóng mãi vai trò là nhà cung cấp đầu vào chất lượng thấp cho các nền kinh tế khác, như cho TQ chẳng hạn. Nền kinh tế đó vừa khó nâng cao thu nhập cho người lao động, vừa chịu ô nhiễm nặng, lại không có cơ may tiến kịp thế giới và cải thiện hình ảnh của mình.

Tuy gần đây chúng ta nhấn mạnh nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư và sức cạnh tranh quốc tế, song kết quả thực tế đạt được theo hướng này còn khiêm tốn. Cần có cách tiếp cận đồng bộ và hiện đại đến mô hình tăng trưởng của VN hiện nay.

Một chiến lược phát triển dựa mạnh vào mở cửa và hội nhập, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trụ trong khuôn khổ một môi trường kinh doanh mang tính khuyến khích phát triển cao đối với doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa căn bản hiện nay ở nước ta. Đó là một chiến lược “tăng tốc để đuổi kịp”. Nhưng muốn vậy thì trước hết phải “cất cánh”, phải quyết liệt tạo ra các cơ sở tăng trưởng dài hạn một cách bền vững.

"Vừa lo thoát nghèo, vừa lo thất thoát ngân sách"

Hỏi - Ông vừa nhắc đến vấn đề tài chính. Mới đây, kiểm toán Nhà nước đă công bố kết quả kiểm toán năm 2006 với niên độ ngân sách năm 2005. Theo báo cáo, có tới 7.622,5 tỉ đồng thu chi sai nguyên tắc phải xử lý, có tới 1.339,5 tỉ đồng là tiền Nhà nước bỏ ra và đă mất đi. Đánh giá thế nào về những thất thoát này?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: Số lượng thất thoát, tổn phí mà ngân sách oằn vai phải chịu quả thật không nhỏ. Đối với một nước còn nghèo, với đa số người dân còn rất nghèo, lại phải lo thoát khỏi tụt hậu với thế giới thì vấn đề là rất nghiêm trọng. Rõ ràng, đây không phải là vấn đề của riêng một năm 2005 hay 2006 mà nó đã kéo dài, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Đây cũng là một lý do để nói nền kinh tế nước ta vì sao chưa tăng trưởng tương xứng với tiềm năng. Cần phải nhìn nhận vấn đề này theo tinh thần chịu trách nhiệm chính trị đối với sự nghiệp phát triển của đất nước để có nỗ lực và quyết tâm xử lý triệt để.

Nhưng tuy phản ánh một vấn đề không mới mẻ gì, theo tôi, khi chỉ ra thực trạng chi tiêu công, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm nay cũng có những đóng góp lớn vào nỗ lực phát triển chung. Theo nghĩa nó đưa ra sự cảnh báo công khai và nhiều mặt về thực trạng chi tiêu ngân sách để xã hội và Chính phủ biết.

Báo cáo cho thấy sự mổ xẻ thực trạng chi tiêu công của ta ngày càng đi sâu vào các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân cơ chế và năng lực bộ máy. Công khai hơn và sâu sắc hơn. Đó là thành công lớn mà Chính phủ đạt được trong nỗ lực điều hành nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhờ Báo cáo, chúng ta biết được cơ chế “thủng” chỗ nào, “yếu” chỗ nào.

Đây là cơ sở quan trọng để tìm kiếm giải pháp đúng. Không chỉ để “bịt” các lỗ rò thất thoát. Quan trọng hơn là sự công khai và chi tiết như vậy giúp Chính phủ xác định một bộ giải pháp, một cơ chế chi tiêu công mà tự nó có năng lực tự kiểm tra, giám sát và điều chỉnh, không cho phép tái sinh sự mất mát, thất thoát tài sản của dân, của nhà nước một cách phi lý và quá mức như đang diễn ra.

Tất nhiên, về cơ bản, Báo cáo mới đưa ra một bức tranh chung, còn tương đối khái quát và sơ bộ. Cần phải công khai hơn nữa, chi tiết hơn nữa. Nhờ đó, có thể mổ xẻ sâu hơn, toàn diện các vấn đề đặt ra cho nền tài chính công của nước ta hiện nay. Nhân dân nhờ đó, sẽ có công cụ tốt hơn để thực hiện quyền làm chủ của mình đối với ngân sách, đối với tài sản của mình và do mình.

Theo Vietnamnet

Không có nhận xét nào: